Bánh Pelmeni, món ăn phổ biến nhất ở xứ sở bạch dương
Xứ sở bạch dương có rất nhiều món ăn hấp dẫn và ngon miệng. Nhưng có lẽ, phổ biến và được nhiều người sử dụng nhất lại là những chiếc bánh pelmeni nho nhỏ, xinh xinh. Không chỉ có nguyên liệu cùng cách chế biến đơn giản, món ăn này còn mang trong mình những nét đặc trưng của văn hóa ẩm thực Nga.
Nguồn gốc
Từ pelmeni xuất phát từ “pel’nyan”. Theo ngôn ngữ bản địa có nghĩa là “bánh mì tai”. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, vùng Ural dường như là nơi khởi nguồn của món ăn này. Dù vậy, người ta cũng không biết đâu là lúc mà pelmeni bước vào ẩm thực của vùng Siberia nói riêng và văn hóa ẩm thực Nga nói chung.
Một số giả thuyết cho rằng, pelmeni có thể là một biến thể từ sủi cảo của Trung Quốc. Cũng có người lại nói, pelmeni đã được người Mông Cổ mang đến Siberia và Ural, sau đó lan rộng đến tận Đông Âu.
Đặc điểm
Pelmeni là một trong những món ăn thuộc “dòng họ” bánh bao. Tức là thành phần của nó gồm hai phần chính: vỏ và nhân.
Phần vỏ được làm từ bột mỳ. Có thể thêm trứng hoặc sữa để bánh thơm và mềm hơn. Phần nhân thì rất đa dạng. Nhưng chủ yếu vẫn là thịt lợn được trộn đều với các loại gia vị khác.
Một điểm khác biệt giữa bánh pelmeni ở Nga so với những chiếc bánh bao khác là nó được luộc chín. Thay vì được hấp hoặc chiên trong mỡ như chúng ta vẫn thường gặp. Phần vỏ của chiếc bánh không dày bằng, thậm chí mỏng hơn rất nhiều. Khi nấu lên, bạn có thể thấy cả nhân ở bên trong.
Hình dạng của chúng trước khi nấu khá giống những chiếc đĩa bay. Nó là sự kết hợp giữa hai miếng bột mỳ bao bọc lấy phần nhân bên trong. Sau đó uốn cong ở phần mép.
Pelmeni có thể được bảo quản đông lạnh trong một thời gian dài trước khi đem ra sử dụng bằng cách đun sôi trong nước muối. Khi những chiếc bánh bắt đầu nổi dần lên khỏi mặt nước, đợi thêm khoảng 3 – 5 phút là có thể dùng được ngay.
Pelmeni trong văn hóa Nga
Ở Siberia, pelmeni truyền thống được đông lạnh ngoài trời vào mùa đông như một cách để bảo quản. Món ăn này cực kỳ thông dụng trong giới thợ săn. Bởi một khi họ tiến vào rừng, thức ăn mang theo phải là những thứ dễ nấu, gọn nhẹ, thích hợp cho chuyến đi dài ngày.
Cũng chính nhờ sự tiện lợi này mà pelmeni có thể được sản xuất hàng loạt thông qua các loại máy móc chuyên dụng. Sau đó được đóng gói và bảo quản ở nhiệt độ thấp. Bạn có thể tìm thấy món ăn này ở hầu hết các cửa hàng tạp hóa của Nga và Ukranie, cũng như các cộng đồng người Nga sinh sống ở những nơi khác nhau trên thế giới. Trong văn hóa hiện đại, pelmeni là một thực phẩm tiện lợi gắn liền với lối sống của sinh viên và những người có quỹ thời gian hạn hẹp. Khá giống với mì tôm ở Việt Nam nhỉ?
Ngoài cách làm công nghiệp như hiện nay, những gia đình ở Nga cũng có truyền thống tự làm bánh pelmeni. Người ta coi nó như là một hoạt động tập thể giúp gắn kết tình cảm gia đình. Khi làm bánh, mọi người cùng quây quần và trò chuyện với nhau trong bầu không khí vui vẻ.
Đặc biệt, khi chế biến, người Nga thường cho vào nhân bánh những đồng xu hay lá nguyệt quế. Số lượng bánh như vậy có rất ít. Do đó, ai nhận được chiếc bánh này, đó là dấu hiệu của những điều may mắn sắp xảy đến với họ.
Thành phần
Như đã nhắc đến ở trên, pelmeni gồm phần nhân và phần vỏ.
– Phần vỏ: bột mỳ, nước, trứng, sữa, muối.
– Phần nhân: thịt băm. Bạn có thể sử dụng nhiều loại thịt khác nhau như thịt lợn, thịt bò, thịt cừu hoặc bất kỳ loại nào khác. Nhưng đúng nhất vẫn là thịt nai. Việc trộn lẫn các nguyên liệu với nhau cũng rất phổ biến. Ví dụ như ở vùng Udmurt (một khu vực ở Nga) người ta sử dụng 45% thịt bò, 35% thịt cừu và 20% thịt lợn.
– Gia vị: hạt tiêu đen, hành tây thái lựu, tỏi, lá nguyệt quế,…
Cách chế biến Pelmeni
Dưới đây là một công thức trong trường hợp bạn muốn tự tay làm ra những chiếc bánh pelmeni thay vì mua trực tiếp ở ngoài cửa hàng tiện lợi.
Nguyên liệu
– 300g bột mỳ;
– 1 quả trứng gà;
– 100ml sữa tươi;
– 1 thìa cà phê muối;
– 100ml nước;
– 500g thịt lợn xay;
– 1 củ hành tây;
– Tiêu;
– Thì là hoặc nguyệt quế (nếu có).
Chế biến
Phần vỏ: Ray bột cho thật mịn, sau đó cho trứng và muối vào, trộn đều. Tiếp tục cho từ từ nước rồi đến sữa. Nhào bột cho đến khi không còn dính tay.
Phần nhân: Hành tây xắt nhỏ trộn đều với thịt băm, muối, tiêu. Gia vị cho vừa miệng.
Chia bột ra thành những miếng tròn nhỏ đường kính 2 – 3 cm. Cho nhân vào giữa.
Miết dính hai bên thành bột với nhau (tương tự như bánh gối).
Xếp bánh ra khay, tránh để chồng lên nhau vì có thể sẽ dính bánh.
Đến bước này, bạn có thể bảo quản bánh trong tủ lạnh để dùng đến khi cần.
Khi ăn, bạn tiến hành luộc chúng lên. Lưu ý nên thả từng bánh vào một, thi thoảng khuấy một chút để tránh bánh bị dính ở đáy nồi.
Sau khi bánh nổi được 3 – 5 phút, là có thể ăn được.
Thưởng thức
Ở Nga, người ta thường cho pelmeni sau khi luộc ra đĩa, thêm một chút bơ trộn đều rồi thưởng thức. Hoặc ăn với sữa chua.
Cách thứ hai là nấu súp, hay nấu canh bằng cách cho thêm những thành phần mình thích.